Bàn giải pháp bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống
2023-06-30 00:00:00.0
Ngày 23/6/2023, tại TP Phổ Yên, Chi Cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Hiệp hội Làng nghề tỉnh tổ chức Hội nghị trao đổi các giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố năm 2023. Dự hội nghị có lãnh đạo Chi Cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên; Hiệp hội Làng nghề tỉnh Thái Nguyên; lãnh đạo UBND thành phố; thủ trưởng một số phòng chuyên môn có liên quan của thành phố; lãnh đạo các xã, phường Minh Đức, Thành Công, Phúc Thuận, Tiên Phong Tân Phú, Trung Thành và các đại biểu đại diện cho các làng nghề, các hợp tác xã trên địa bàn TP Phổ Yên.
Hiện nay, TP Phổ Yên có 32 làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, hoạt động trong các lĩnh vực: Chè, mộc mỹ nghệ, mây tre đan với tổng doanh thu 62 tỷ đồng, thu nhập bình quân đối với nhóm ngành nghề Trồng, chế biến chè xanh là 6 triệu đồng/lao động/tháng; đối với ngành nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan là 7,6 triệu đồng/lao động/tháng. Các làng nghề trên địa bàn thành phố đều duy trì hoạt động tốt, các làng nghề chè thực hiện các quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chất lượng để nâng cao giá trị sản phẩm. Hằng năm, thành phố đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tập huấn sản xuất cho các làng nghề; tổ chức cho các làng nghề tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các lễ hội và hội chợ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện nay các làng nghề, làng nghề chè truyền thống trên địa bàn thành phố đang gặp khó khăn như: Nguồn lao động trong các làng nghề, làng nghề truyền thống ngày càng thiếu hụt, nhất là lực lượng lao động trẻ, lực lượng lao động có tay nghề cao. Đối với các làng nghề chè truyền thống thì thị trường tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc nhiều vào thị trường tự do, sản phẩm chủ yếu vẫn tiêu thụ thô, chưa được đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc nên ảnh hưởng đến tốc độ phát triển làng nghề;Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trong ngành nghề nông thôn còn hạn chế. Một số nhóm ngành nghề phát triển còn gặp khó khăn, mang tính cầm chừng, chưa bền vững. Một số nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một như: Nghề trồng dâu nuôi tằm, mây tre đan….
Tại hội nghị các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, trao đổi, chia sẻ những khó khăn vướng mắc và các giải pháp trong phát triển các làng nghề trên địa bàn Thành phố như: thị trường tiêu thụ, mã sản phẩm, kinh doanh trên môi trường điện tử... Bên cạnh đó, đại diện các làng nghề, HTX mong muốn có thêm hội thảo, tập huấn về khoa học kỹ thuật chuyên sâu đến với người dân trong các làng nghề, HTX; Đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển sản xuất các vùng chè. Mong muốn các cơ quan, đơn vị chuyên môn kết nối với các đơn vị có uy tín, thương hiệu để cam kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân làng nghề; quan tâm xây dựng vùng sản xuất an toàn; phát triển mở rộng diện tích chè Vietgap; mở rộng mã số vùng trồng chè; xây dựng thương hiệu riêng cho các làng nghề.
Thông qua hội nghị góp phần đánh giá đúng thực trạng, khó khăn và đề xuất các giải pháp Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố. Đồng thời giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống. Thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại địa phương./.
Tin và ảnh: Dương Thịnh
(Trung tâm Văn hóa TT và TT Phổ Yên)
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 1
Tổng truy cập: 3888765