Phát huy vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp
2023-08-08 00:00:00.0
Những năm gần đây, Phú Bình là địa phương được coi là “cực tăng trưởng” phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, khi lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ có phát triển cả về giá trị và tỷ trọng. Tuy vậy, Phú Bình vẫn xác định nông nghiệp giữ vai trò quan trọng và tập trung phát triển ngành này theo hướng hình thành các chuỗi liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm.
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030”, Phú Bình phấn đấu đến năm 2025 có 12 sản phẩm OCOP, tính đến hết năm 2022 huyện đã xây dựng được 15 sản phẩm OCOP, vượt 3 sản phẩm so với chỉ tiêu của huyện gồm: 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (cao ngựa bạch Trường Nguyên xã Dương Thành) và 14 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Phú Bình cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh có sản phẩm OCOP từ chăn nuôi.
Năm 2023, Phú Bình phấn đấu xây dựng thêm 7 sản phẩm OCCOP, trong đó có sản phẩm cơm cháy nhãn hiệu “ Én Vàng” của HTX Bản Việt có địa chỉ tại xã Bảo Lý. Chị Bùi Thị Yến, Giám đốc HTX Bản Việt cho biết: để thực hiện khâu liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm HTX đã thực hiện sản xuất sản phẩm dựa trên nguyên liệu của 2 sản phẩm đã được công nhận OCOP năm 2022: gạo nếp Thầu Dầu của HXT Hồng Kỳ xã Úc Kỳ và sản phẩm ruốc gà của HTX gà Tân Phú xã Tân Khánh. Vì thê, mặc dù sản phẩm này được sản xuất năm 2022, nhưng khi ra mắt đã nhận được sự đánh giá cao của ngành chức năng và người tiêu dùng.
HTX bản Việt giới thiệu về sản phẩm cơm cháy hiệu “Én Vàng” với lãnh đạo Văn phòng điều phối |
Nông thôn mới Trung ương và lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên |
Đây chỉ là một trong những điểm nhấn của Đảng bộ huyện Phú Bình trong nửa đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII nhiệm kỳ 2020-2025 về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng hình thành chuỗi liên kết, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngành Nông nghiệp của Phú Bình đã đạt được những kết quả rất tích cực: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3,5% (kế hoạch tăng bình quân trên 4%/năm); Sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt 78.040 tấn/năm, vượt kế hoạch (kế hoạch ổn định 75.000 tấn/năm); Giá trị sản phẩm trên một ha đất nông nghiệp trồng trọt (theo giá thực tế) đạt 123 triệu đồng/ha (kế hoạch đến 2025 đạt 130 triệu đồng/năm); Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng bình quân 9%/năm, vượt kế hoạch (kế hoạch tăng bình quân 6-8%/năm); 9 xã được cấp mã vùng trồng lúa. Trong lĩnh vực chăn nuôi, 3 năm trở lại đây, trên địa bàn không có dịch bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm xảy ra; sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2022 đạt cao nhất từ trước tới nay với trên 41.000 tấn (tăng trên 34% so với năm 2021); tổng đàn vật nuôi liên tục tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong số 161 trang trại, gia trại trên địa bàn huyện thì có đến 70% số trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng ATSH; 18 cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP… Qua đó, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi của địa phương được kiểm soát tốt.
Phú Bình có 10 cơ sở chăn nuôi được cấp Chứng nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh. |
Trong ảnh cơ sở chăn nuôi ấp nở gia cầm của ông Phạm Văn Trường xã Dương Thành |
Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm có lợi thế địa phương, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 huyện Phú Bình cụ thể hoá bằng 8 dự án thành phần trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Theo đó, với Dự án xây dựng và phát triển thương hiệu “Nếp Thầu dầu Phú Bình” theo tiêu chuẩn hữu cơ, Phú Bình đã triển khai thực hiện mô hình nâng cao chất lượng sản phẩm gạo nếp Thầu dầu theo tiêu chuẩn VietGAP với kinh phí 150 triệu từ nguồn ngân sách huyện, mô hình và cấp mã vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và nếp Thầu dầu được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao và có 02 sản phẩm chế biến từ nếp Thầu dầu đạt OCOP 3 sao là tương nếp Hồng Kỳ và tương Úc Kỳ.
Dự án liên kết chuỗi giá trị sản phẩm rau chất lượng cao đã hỗ trợ xây dựng một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh như Nhã Lộng, Dương Thành, Lương Phú... Năm 2023, huyện triển khai mô hình công nghệ cao trong sản xuất rau với quy mô 4.000 m2, kinh phí 350 triệu đồng trên địa bàn xã Nhã Lộng; tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP và lựa chọn các sản phẩm chế biến từ rau tham gia Chương trình OCOP.
UBND huyện Phú Bình đầu tư 150 triệu đồng cho HTX Bình Minh xã Nhã Lộng |
để xây dựng mô hình nhà lưới để chủ động trong việc sản xuất rau chất lượng cao |
Cùng với đó, Dự án xây dựng mô hình sản xuất ngô sinh khối trên đất kém hiệu quả phục vụ thức ăn chăn nuôi bò thịt đang được triển khai và tiếp tục nhân rộng trên địa bàn huyện tại các xã Bảo Lý, Thanh Ninh, Nga My với diện tích 30 ha. Với Dự án xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, hằng năm từ nguồn ngân sách của các cấp, huyện cũng dành nguồn kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng để thực hiện công tác tiêm phòng; phối hợp với Chi cục chăn nuôi thú y và thuỷ sản xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên đàn gà tại xã Tân Khánh.
Với dự án phát triển thương hiệu “Gà đồi Phú Bình”, đã triển khai mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà đồi theo hướng hữu cơ gắn với Chương trình OCOP tại xã Tân Khánh. Đến nay, huyện có 3 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên: Khô gà lá chanh, thị gà của HTX Tân Phú xã Tân Khánh và khô gà lá chanh của HXT Điền Quy xã Tân Thành.
Ngoài ra, Phú Bình cũng triển khai thực hiện Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao với mô hình nuôi nhốt chuồng theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, gắn với liên kết chuỗi giá trị trong tiêu thụ sản phẩm tại xã Thanh Ninh; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình chăn nuôi vỗ béo bò thịt, xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học, kết hợp trồng ngô sinh khối trên địa bàn xã Nga My.
Mô hình trồng ngô sinh khối phục vụ cho chăn nuôi tại xã Tân Kim ( Phú Bình) |
Đối với Dự án mở rộng sản xuất, chế biến và bảo quản quả trám đen, huyện đã triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng trồng mới, cải tạo, chế biến, bảo quản trám đen theo hướng hàng hóa và xây dựng nhãn hiệu tập thể “Trám đen Phú Bình”, kinh phí thực hiện là gần 3,2 tỷ đồng từ nguồn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Phú Bình xác định: tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, trọng tâm là phát triển mạnh sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tăng mạnh các hình thức hợp tác liên doanh, liên kết; đa dạng hóa trong phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững, tăng mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm; Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình liên kết 6 nhà phát triển sản phẩm nông nghiệp của huyện; Tập trung nguồn lực đầu tư, bố trí kinh phí để thực hiện các dự án theo nội dung đã được xây dựng trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm có lợi thế huyện Phú Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030./.
Bài và ảnh: Nguyễn Chi
(Trung tâm VH TT và TT huyện Phú Bình)
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 1
Tổng truy cập: 3888773