Đổi thay xóm người Mông ở Phú Lương
2024-09-09 08:00:00.0
Xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt là một trong số ít những xóm tập trung đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại huyện Phú Lương. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Nhà nước và ý chí tự vươn lên, đời sống nhân dân trong xóm ngày càng khởi sắc.
Xóm Đồng Tâm nằm ở phía Đông Bắc của xã Động Đạt, huyện Phú Lương. Khác với những gì biết tới về đồng bào dân tộc Mông thường ở nơi đồi núi hiểm trở, người dân tộc Mông ở Đồng Tâm sinh sống trong một vùng thung lũng rộng gần 200ha bao quanh bởi những dãy núi nhỏ.
Mô hình chăn nuôi của anh Đinh Văn Tuấn hiện nay đã có 20 con bò, 40 con dê và gần 1.000 con gà.
Anh Lý Văn Sài, Trưởng xóm Đồng Tâm nhắc lại những khăn trước đây: Hơn chục năm trở về trước, đời sống bà con khó khăn lắm. Cả xóm có 75 hộ với trên 300 nhân khẩu trông chờ toàn bộ vào 14ha đất nông nghiệp, còn lại là đất ở và đất rừng. Diện tích đất nông nghiệp nhiều nhưng chỉ có một số ít trồng được lúa 1 vụ còn lại là trồng cây ngô, cây sắn vì nguồn nước không đảm bảo. Điều kiện tự nhiên không ủng hộ, kĩ thuật canh tác lạc hậu, năng suất không cao nên những ngày giáp hạt nhiều nhà phải vay mượn hoặc “chạy đôn chạy đáo” để mua được gạo.
Mặc dù người dân nơi đây được đánh giá là cần cù, chịu khó song bao năm loay hoay với “bài toán” thoát nghèo. Nguyên nhân thì nhiều nhưng cốt yếu là do thủy lợi khó khăn, khe suối thấp, không có hồ đập tích trữ nước nên việc sản xuất của bà con chỉ phụ thuộc vào tự nhiên. Bà con đã tích cực chuyển đổi nhiều loại cây trồng khác nhau như ngô, mía, sắn, dược liệu và cả cây ăn quả... nhưng rồi cũng không mang lại hiệu quả kinh tế, nên nhiều hộ chuyển sang trồng cây lâm nghiệp.
Những cảnh khó khăn đó đã dần lùi xa khi bà con được Nhà nước hỗ trợ tiếp cận với kĩ thuật trồng trọt, đưa các loại cây trồng, con giống đem lại hiệu quả cao vào sản xuất. Điển hình trong số đó là gia đình anh Lý Văn Páo. Anh Páo được vay vốn hỗ trợ đối tượng chính sách gần 30 triệu đồng để mua 2 con bò sinh sản, cùng gần trên 30 triệu đồng để xây nhà kiên cố từ năm 2020. Có nhà mới lại có thu nhập mỗi năm gần 50 triệu từ chăn nuôi bò cùng với trồng trọt và làm thuê, gia đình anh đã thoát khỏi diện hộ nghèo cách đây 2 năm.
Cùng chung hướng đi, nhiều hộ gia đình đã gây dựng được đàn gia súc chăn nuôi sinh sản và thương phẩm. Trong đó các gia đình chăn nuôi nhiều như: Anh Đinh Văn Tuấn nuôi 20 con bò, 40 con dê và gần 1.000 con gà; Anh Hứa Viết Thông nuôi 10 con bò; Anh Dương Văn Chợ nuôi 5 con trâu… Những mô hình này không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập mà còn thúc đẩy ý chí vươn lên của nhiều gia đình khác.
Cùng với việc tạo việc làm, thu nhập từ chính mảnh đất quê hương thì không ít người trong xóm đã chọn cách kiếm thu nhập từ các công ty, nhà máy. Anh Lý Văn Sài thông tin: Do điều kiện tự nhiên không ủng hộ phát triển nông nghiệp nên bà con tập trung vào trồng rừng (chủ yếu là cây keo) với khoảng gần 30ha. Từ khoảng năm 2020 đến nay đã có trên 50 người tham gia đi làm tại các công ty, nhà máy tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Với mức lương trung bình khoảng 6-8 triệu đồng, đây chính là nguồn thu nhập chính giúp các có điều kiện để xây dựng nhà khang trang, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Bên cạnh đó, người dân cũng tích cực tìm kiếm công việc làm thuê tại trung tâm xã, huyện để cải thiện thu nhập.
Đến nay, xóm chỉ còn 8 hộ nghèo (giảm trên 10 hộ so với năm 2022) thu nhập bình quân đầu người của xóm đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Đến nay, toàn bộ hơn 6km đường giao thông của xóm cơ bản đã được cứng hóa, nhân dân thuận tiện trong đi lại, giao thương. Trong năm nay, xóm được hỗ trợ xây dựng đường kiểu mẫu rộng 6m với chiều dài hơn 800m. Nhân dân trong xóm đồng tình hiến trên 3.000m² đất cùng hàng trăm mét tường rào để mở rộng đường. Có đường giao thông thuận tiện, đời sống người dân nơi đây đã ngày càng khấm khá.
Đến xóm Đồng Tâm bây giờ không khó để bắt gặp những ngôi nhà khang trang, kiên cố, những chiếc máy nông nghiệp làm đất trên đồng ruộng, xe tắc tơ chở lâm sản; người dân dùng xe máy vừa làm phương tiện di chuyển vừa để chở nông sản... Đó là minh chứng rõ nét cho sự khởi sắc ở vùng quê đang trong quá trình thoát nghèo./.
Bài và ảnh: Việt Dũng (Báo Thái Nguyên)
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 1
Tổng truy cập: 3888765