Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

 

Gắn đào tạo nghề với việc làm cho lao động nông thôn

2024-11-29 07:44:00.0

Những năm gần đây, huyện Phú Lương đã tích cực triển khai các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần làm thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Từ đó thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo và các mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn

Những năm gần đây, huyện Phú Lương đã tích cực triển khai các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần làm thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Từ đó thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo và các mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Xác định tạo việc làm ổn định cho lực lượng lao động ở địa phương là một nhiệm vụ quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững, ngay từ đầu năm huyện rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh, năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tổng hợp xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cụ thể. Các ngành đã phối hợp tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, mở các lớp đào tạo nghề dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động, chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch và thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về số lượng, chất lượng, cơ cấu lao động nông thôn để tổ chức triển khai, theo dõi, đánh giá. Mới đây, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên phối hợp với xã Phủ Lý khai giảng lớp sơ cấp nghề chế biến món ăn. Lớp học có 30 học viên phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã tham gia. Chị Nguyễn Thị Thảo, xóm Tân Chính, xã Phủ Lý chia sẻ: Với mỗi học viên khi tham gia lớp học đây không chỉ là dịp giúp các học viên nâng cao được kỹ năng chế biến món ăn góp phần đảm bảo dinh dưỡng cho các thành viên trong gia đình mà còn là cơ hội để mỗi thành viên trong lớp học có được việc làm ổn định.

Các học viên tham gia thực hành chế biến đồ uống tại lớp sơ cấp nghề chế biến món ăn

Phú Lương là huyện Miền núi với 80% dân số phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Từ nhu cầu thực tế ở địa phương trong quá trình triển khai nhiệm vụ các ban, ngành, các hội, đoàn thể đã lồng ghép các chương trình hỗ trợ lao động nông thôn phát triển sản xuất gắn với chương trình đào tạo nghề; nhân rộng các mô hình đào tạo nghề thí điểm có hiệu quả, tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn về kỹ năng, kỹ thuật trồng, chăm sóc rau màu, chăn nuôi gà, lợn, vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò, nuôi giun quế... tạo điều kiện cho lao động nông thôn nâng cao kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, góp phần cải thiện kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua sàn giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Qua các hoạt động trên đã góp phần giúp người trong độ tuổi lao động có việc làm phù hợp và thu nhập ổn định.

Huyện Phú Lương quan tâm tư vấn giới thiệu việc làm cho người dân

Các ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài huyện cũng như phục vụ tốt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Trịnh Văn Tường, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phú Lương cho biết:  Từ đầu năm đến nay, huyện đã mở được 5 lớp sơ cấp nghề cho 170 lao động, gồm các nghề sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi gà, lợn hữu cơ, trồng rau an toàn và kỹ thuật nuôi giun quế. Sau khi học nghề, trên 70% lao động tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm. Nhiều nghề có tỷ lệ tìm được việc làm cao như: sửa chữa xe máy, xây dựng dân dụng đạt 70%... Đối với các nghề nông nghiệp, học viên sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập.

Các học viên tham gia lớp học sơ cấp chăn nuôi thú y

Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đã góp phần làm thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo và các mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Hiện lao động qua đào tạo của huyện đạt trên 70% và có trên 33,9 % số lao động được đào tạo nghề được cấp chứng chỉ. Qua các lớp đào tạo nghề đã có trên 80% số lao động sau học nghề có việc làm hoặc làm nghề cũ nhưng năng suất cao hơn, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho địa phươngthu nhập bình quân của người dân trên địa bàn đạt  đạt gần 46 triệu đồng/năm. Giai đoạn 2020-2023, bình quân mỗi năm huyện Phú Lương giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,19%. Đến hết năm 2024, toàn huyện chỉ còn hơn 490 hộ nghèo chiếm trên 1,78% dân số toàn huyện, giảm 0,9% so với năm 2023. Các chính sách, dự án giảm nghèo, giải quyết việc làm, vận động người dân vùng nông thôn, ưu tiên người nghèo, cận nghèo tham gia xuất khẩu lao động được huyện triển khai kịp thời, hiệu quả. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp, các ngành đẩy mạnh hướng dẫn người dân cách thức tổ chức sản xuất, định hướng trồng trọt, chăn nuôi một số cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để giảm nghèo nhanh và bền vững. /.

Bài và ảnh : Nhâm Mai

                                 (Trung tâm VH TT&TT huyện Phú Lương)



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3893181

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH THÁI NGUYÊN

Số điện thoại: 02083.759.373

Email: nongthonmoi@thainguyen.gov.vn

Địa chỉ: Tổ 11, Phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên