Đa lợi ích từ sử dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp
2023-10-26 00:00:00.0
Những năm qua, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Từ đã khuyến khích các hộ nông dân, hợp tác xã (HTX) tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp, góp phần cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững.
Việc ứng dụng chế phẩm sinh học đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từng bước thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người làm nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn. Điều này thể hiện ở chỗ, việc sử dụng các giống cây trồng mới lai tạo bằng nuôi cấy mô đã tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đồng đều, sạch bệnh, chất lượng và năng suất cao, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của nông sản. Đối với ông Nguyễn Văn Tính, chủ cơ sở nấm Hòa Tính xóm 2 xã Vạn Thọ đã thành công trong ứng dụng chế phẩm sinh học tạo ra các sản phẩm về nấm như: nấm bào ngư, nấm mèo (mộc nhĩ) nấm sò, …. với thành phẩm đạt tỷ lệ nuôi cấy trên 90%; sản phẩm được thị trường đón nhận bởi chất lượng cao, sạch. Từ thành công trên, ông Tính đã vận động thành lập HTX nấm và mở rộng quy mô sản xuất theo quy trình VietGAP, đồng thời nghiên cứu chế biến đa dạng hóa sản phẩm từ nấm. Mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường 3,5 tấn nấm, có giá bán 25.000 đồng/kg nấm sò; 120.000 đồng/kg nấm mộc nhĩ; 850.000 đồng/kg nấm linh chi… Gần 5 vạn gốc nấm của gia đình ông cho thu nhập trung bình 450 triệu đồng một năm, trừ mọi chi phí sản xuất còn lãi gần 200 triệu đồng. Bên cạnh việc thu được lợi nhuận cao thì gia đình ông còn tạo được công ăn việc làm cho trục lao động tại địa phương vào những thời điểm sản xuất nấm, khoảng 120.000 đồng/người/ngày. Chị Nguyễn Thị Tỉnh công nhân làm việc tại xưởng nấm chia sẻ “làm nghề nông như chúng tôi có thể tranh thủ lúc nông nhàn làm việc kiểm thêm thu nhập. Được gia đình ông tính tạo công ăn việc làm nên chúng tôi cũng có thu nhập đều hơn, cuộc sống của gia đình cũng đỡ khó khăn hơn nhiều. Bên cạnh đó, ông Tính được ông chỉ dạy về cách trồng nấm rất tỉ mỉ”
![]() |
Xưởng sản xuấ nấm Sò |
Mô hình sản xuất chè hữu cơ Chính Phú xã Phú Xuyên có 22 thành viên đi vào hoạt động từ tháng 5/2020 với diện tích 5 ha. Tham gia mô hình, người dân được Nhà nước hỗ trợ phân bón hữu cơ, chế phẩm vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học thảo mộc; được đào tạo tập huấn chuyển giao công nghệ; hỗ trợ đánh giá cấp chứng chỉ xác nhận vùng sản xuất đang trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ để làm tiền đề cấp chứng nhận sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. Với sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành địa phương đặc biệt sự chỉ đạo sát sao của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã hướng dẫn cho bà con nông dân kiên trì thực hiện theo đúng quy trình sản xuất chè hữu cơ, đến nay năng suất chè đã dần phục hồi và tăng trưởng, chè có hương thơm, vị đậm, môi trường sinh thái được cải thiện. Theo đánh giá của các hộ nông dân là thành viên trong tổ sản xuất chè hữu cơ Chính Phú, sau 4 năm triển khai thực hiện áp dụng quy trình sản xuất chè hữu cơ, cây chè hiện đang sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng ổn định. ông Đỗ Thành Lân thành viên tổ HTX chè theo tiêu chuẩn hữu cơ xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ chia sẻ: “Từ khi áp dụng sản xuất chè theo hướng hữu cơ, chất lượng chè được nâng lên, người nông dân chúng tôi bán được giá cao hơn và không phải lo đầu ra cho sản phẩm”
![]() |
Mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn của Việt Nam của các hộ dân xã Phú Xuyên |
Hiện nay, năng suất chè búp tươi bình quân của các thành viên trong tổ hợp tác đạt 125 tạ/ha/năm, sản lượng đạt khoảng 62,5 tấn, giá bán chè búp tươi hữu cơ từ 55.000đ - 60.000đ/kg cao hơn từ 35 - 40% so với sản xuất chè truyền thống. Toàn bộ nguyên liệu chè búp tươi của tổ hợp tác đã được HTX chè Tuất Thoi xã Phú Xuyên và Công ty Cổ phần chè Hà Thái thu mua với giá ổn định lâu dài. Việc liên kết với HTX, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đang dần tạo ra chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Đến nay diện tích chè của tổ hợp tác đã được cấp mã số vùng trồng và đủ điệu kiện được cấp giấy chứng nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ. Bà Đào Thị Thoi Giám đốc HTX chè Tuất Thoi, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ tâm sự “ Đối với những diện tích sản xuất chè theo hướng hữ cơ chúng tôi đều thu mua với giá cao cho người dân. Bên cạnh đó chúng tôi còn hỗ trợ thêm về khoa học kỹ thuật từ đó thu hút thêm nhiều người dân canh tác theo hướng hữu cơ, để nâng cao thu nhập cho người dân”
Vùng nguyên liệu chè hữu cơ được hình thành, HTX chè Tuất Thoi đang cùng tổ hợp tác từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm chè hữu cơ đạt chuẩn OCOP. Từ đó, người dân đã có những thay đổi trong nhận thức sản xuất chè.
![]() |
Nhân dân thu hái chè theo tiêu chuẩn hữu cơ |
Việc sử dụng chế phẩm sinh học đã mang lại hiệu quả cao rõ rệt, được nông dân ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối đa, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, cơ sở sản xuất về sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái bền vững và thân thiện với môi trường. Mục tiêu của huyện Đại Từ xác định rõ là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, chú trọng phát triển ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường. Đồng thời, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, kiểm soát và giảm tối đa việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, các chất tăng trọng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường sản xuất./.
T/h: Thu Phương
Trung tâm VHTT và TT huyện Đại Từ
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 1
Tổng truy cập: 3893238