Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi liên kết
2023-08-15 00:00:00.0
Với nhiều điều kiện thuận lợi thế về đất đai, nguồn lao động nên những năm gần đây tỉnh Thái Nguyên đã phát triển chăn nuôi đại gia súc. Việc phát triển chăn nuôi trâu, bò không chỉ là giải pháp giảm nghèo hiệu quả mà còn giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, vươn lên khá, giàu. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên sản lượng, chất lượng thịt của đàn vật nuôi của nhiều hộ dân chưa đạt hiệu quả cao. Nắm bắt thực tế đó, những năm gần đây Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình “Trồng cây ngô sinh khối kết hợp với vỗ béo bò thịt” đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào để phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng bền vững.
Mô hình chăn nuôi bò của gia đình anh Dương Văn Hồng xã Nga My huyện Phú Bình |
Do chưa có kinh nghiệm nên trước đây chăn nuôi bò của gia đình anh Dương Văn Hồng, xóm Phú Xuân, xã Nga My, huyện Phú Bình gặp nhiều khó khăn, năng suất, chất lượng đạt không cao. Vì vậy, năm 2022, anh đã thực hiện mô hình “Trồng cây ngô sinh khối kết hợp với vỗ béo bò thịt” do Trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ. Vỗ béo trâu bò trước khi giết thịt nhằm mục đích để trâu bò tăng trọng nhanh trong thời gian ngắn, có tỷ lệ thịt xẻ cao, chất lượng thịt được nâng cao. Tuy nhiên để nguồn thức ăn thô xanh cho trâu bò là rất quan trọng, chiếm đến 80% trong khẩu phần thức ăn hàng ngày. Vì vậy, việc trồng cây ngô sinh khối chính là giải pháp bởi đây là cây trồng có nhiều ưu điểm, phù hợp để sử dụng vỗ béo bò.
Anh Dương Văn Hồng, xóm Phú Xuân, xã Nga My, huyện Phú Bình cho biết: "Từ khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên về hướng dẫn kỹ thuật và mở lớp tập huấn, tôi áp dụng và làm theo thấy hiệu quả cao hơn nhiều so với trước đây chăn nuôi thu công".
Mô hình "Trồng cây ngô sinh khối kết hợp với vỗ béo bò thịt" được Trung tâm Khuyến nông thực hiện năm 2022 với quy mô thực hiện trồng 3ha cây ngô sinh khối, với 22 hộ tham gia, số lượng bò vỗ béo 155 con bò. Khi tiến hành nuôi bò được tiêm tẩy ký sinh trùng trước khi vỗ béo và cho ăn thức ăn tinh kết hợp với thức ăn xanh một cách hợp lý, nên bò khỏe mạnh tăng trọng nhanh. Mỗi con bò sau 3 tháng vỗ béo, tiền lãi thu được trên 3,5 triệu đồng so với chăn nuôi truyền thống.
Mô hình "Trồng cây ngô sinh khối kết hợp với vỗ béo bò thịt" được Trung tâm Khuyến nông thực hiện năm 2022 |
Ông Dương Văn Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My, huyện Phú Bình thông tin: "Mô hình đang hoạt động và chúng tôi đã nhìn thấy điểm sáng mô hình hoạt động có hiệu quả, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh mở rộng các cái mô hình này tuyên truyền cho bà con nhân làm theo".
Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Đây là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện của Thái Nguyên. Với bà con các huyện vùng cao như Định Hóa, Võ Nhai đang có tập quán chăn nuôi gia súc mà hiện nay còn đang thả, bán chăn thả nếu như áp dụng mô hình này với điều kiện đất đai rộng rãi hơn và áp dụng trồng ngô sinh khối và chăn nuôi nhốt trâu bò thì đây sẽ là một hướng đi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở xã vùng cao".
Qua mô hình cho thấy những hiểu quả rõ rệt, giúp các hộ chăn nuôi đã chủ động được nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng để đàn bò phát triển tốt, tặng trọng nhanh, tăng khả năng chống chịu với bệnh tật, góp phần nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường./.
Bài và ảnh: Mạnh Hùng
(Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên)
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 1
Tổng truy cập: 3888765