Tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa
2023-09-13 00:00:00.0
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên các trà lúa mùa muộn đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh và đứng cái. Thời tiết trên địa bàn nắng nóng xen kẽ mưa rào là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại trên cây lúa. Hiện sâu cuốn lá nhỏ đã xuất hiện gây hại rải rác trên diện tích lúa mùa muộn. Nếu không được phòng trừ kịp thời, đúng ngưỡng, đối tượng sâu này có thể gây nên hiện tượng lép, lửng, ảnh hưởng đến vụ lúa mùa.
Bà con nông dân thăm đồng để kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa |
Hiện nay, ở thời điểm giao mùa, thời tiết nóng ẩm làm tình hình diễn biến bệnh do sâu cuốn lá gây ra có nguy cơ gia tăng ảnh hưởng đến các trà lúa mùa muộn. Những ngày qua, tranh thủ thời tiết buổi sáng mát mẻ, bà Mẫn Thị Oanh, ở xóm Phú Lương, xã Lương Phú, huyện Phú Bình đã thăm đồng để kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa, đặc biệt kiểm tra các đối tượng sâu bệnh hại lúa mùa để phun trừ kịp thời.
Bà Mẫn Thị Oanh, xóm Phú Lương, xã Lương Phú, huyện Phú Bình chia sẻ: "Sâu cuốn lá đang gây hại các trà lúa mùa muộn trên đồng ruộng. Thời điểm này, xã và xóm tuyên truyền phun trừ sâu bệnh, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng".
Bà Đinh Thị Ngân, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Bình cho hay: "Qua nắm bắt, kiểm tra, thăm đồng thấy sâu cuốn lá chủ yếu trên trà mùa muộn. Chúng tôi tập trung chỉ đạo phun phòng trừ từ ngày 12 đến 16/9 sẽ có hiệu quả cao hơn".
Tại huyện Phú Lương cũng đã xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ trên trà lúa mùa muộn với mật độ trung bình 5 đến 10 con/m². Được cán bộ chuyên muôn và địa phương khuyến cáo, ông Bạch Ngọc Thơm, tổ dân phố Thái An, thị trấn Đu đã tiến hành kiểm tra đồng ruộng của gia đình và kịp thời phun thuốc để diệt trừ sâu bệnh hại trên trà lúa ngay từ khi mật độ còn ở mức thấp.
Ông Bạch Ngọc Thơm, tổ dân phố Thái An, thị trấn Đu, huyện Phú Lương cho biết: "Ngày nào tôi cũng ra thăm đồng ít nhất 1 lần, khi phát hiện lá bạc hoặc lá gập cuốn thành kén, chúng tôi sẽ phun".
Bà Chu Thị Huyền, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lương cho hay: "Đối với sâu cuốn lá nhỏ sau khi đi kiểm tra đồng ruộng thấy xuất hiện nhiều, sau 5-7 ngày sâu non sẽ nở, lúc đấy bà con sẽ đi phun thì hiệu quả".
Theo báo cáo nhanh của cơ quan chuyên môn, hiện nay, trên trà lúa mùa muộn tại nhiều địa phương trong tỉnh xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ: Mật độ trung bình 5-10 con/m², nơi cao 20-30 con/m², cục bộ trên 40 con/m². Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, không làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã thành lập các đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế và cử cán bộ bám sát cơ sở để kịp thời phối hợp với UBND các huyện, thành phố, phòng chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch hại.
Bà con nông dân bám sát đồng ruộng, tập trung kiểm tra, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh |
Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Nguyên thông tin: "Hiện nay, sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại. Để đảm bảo không ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa và không ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng, đề nghị bà con nông dân các địa phương quan tâm đến thời điểm phun tốt nhất đối với sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 10-22/9/2023. Về rầy nâu, đề nghị bà con quan tâm đến lúa mùa trung, thăm đồng thường xuyên và phát hiện thấy rầy phát triển, bà con nông dân lựa chọn dòng thuốc đặc hiệu ở cửa hàng uy tín, phun theo hướng dẫn".
Việc chủ động phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại cho lúa mùa muộn khi tới ngưỡng sẽ hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đồng ruộng, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo năng suất, chất lượng vụ mùa./.
Bài và ảnh: Mạnh Hùng
(Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên)
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 1
Tổng truy cập: 3888769