Chứng nhận OCOP đưa thương hiệu bánh tẻ “bay xa”
2024-09-13 16:02:00.0
Trong số 33 sản phẩm OCOP hiện có của huyện Phú Bình thì bánh tẻ của hợp tác xã( HTX) Anh Đức xã Thanh Ninh là sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện được chế biến từ gạo tẻ- một sản phẩm có thế mạnh của địa phương được coi là vựa lúa của tỉnh. Việc sản phẩm được chứng nhận OCOP không chỉ góp phần khẳng định chất lượng sản phẩm, mà còn mở ra cơ hội để sản phẩm này rộng đường đến với người tiêu dung khắp các tỉnh thành.
Đến thăm HTX Anh Đức vào một ngày cuối tháng 3, mặc dù không phải là cao điểm của mùa cưới hỏi, cỗ bàn, nhưng bà Trương Thị Nụ, giám đốc HTX vẫn đang thoăn thoắt gói bánh cho khách. Bà Nụ chia sẻ: Liên tục từ Tết Nguyên đán đến nay hầu như ngày nào HTX cũng có đơn đặt hàng, trong đó có đơn hàng 5.000 cái. Trước khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, bảnh trẻ của HTX thường chỉ được tiêu thụ ngay tại địa phương, với các đơn hàng phục vụ cho các đám cỗ có quy mô nhỏ. Nhưng từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm bánh tẻ của HTX đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và tin dùng. Trong đó, có những đơn hàng được vận chuyện tận miền Nam. Thương hiệu bánh tẻ của HTX Anh Đức giờ đây đã có trong thực đơn của hội nghị, sự kiện quan trọng.
Một trong những yếu tố để sản phảm bánh tẻ “ bay xa” chính nhờ sự thay đổi trong hình thức sản xuất. Nếu như trước đây, sản phẩm bánh tẻ của HTX sản xuất sẽ được luộc chín rồi mới được đem đi tiêu thụ. Điều này khiến việc bảo quản bánh chỉ được 1-2 ngày, gây khó khăn cho việc tiêu thụ. Nhưng từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao( 10-2023), sản phẩm bánh tẻ của HTX Anh Đức thực hiện cấp đông sản phẩm ngay sau khi gói, mà không luộc như trước kia. Nhờ đó, thời gian bảo quản bánh có thể kéo dài được từ 30- 40 ngày, đã khiến sản phẩm này mở rộng thị trường đến các tỉnh phía Bắc, thậm chí vào tận miền Nam.
Sản phẩm bánh tẻ được hút chân không ngay sau khi gói
Bà Trương Thị Nụ, HTX Anh Đức chia sẻ thêm: Để thay đổi hình thức sản xuất này, HTX đã được Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh và huyện hướng dẫn thực hiện theo chu trình OCOP. Theo đó, thay vì luộc bánh trước khi bán, thì sẽ thực hiện cấp đông và đưa bánh sống đến tay người tiêu dùng. Điều này, đã giúp sản phẩm được mở rộng thị trường và giúp người tiêu dùng có thể chủ động thời gian sử dụng bánh. Đồng thời, HTX đầu tư thêm các loại máy móc phục vụ cho sản xuất như: tủ bảo ôn, máy thái thịt, máy hút chân không, nồi hơi, nhà xưởng sản xuất…
Từ việc thay đổi hình thức sản xuất và đầu tư máy móc, hiện nay HTX có thể nhận các đơn hàng lên đến hàng nghìn cái bằng cách: sản xuất các mẻ bánh, hút chân không, bảo quản trong tủ bảo ôn, khi gom đủ số lượng sẽ xuất hàng cho khách.
Từ đầu năm 2024 đến nay, HTX đã xuất ra thị trường 15.000-18.000 chiếc bánh tẻ, tăng gấp 5 lần so với cùng thời điểm năm 2023, khi sản phẩm chưa được chứng nhận OCOP. Hiện nay, sản phẩm bánh tẻ của HTX không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong tỉnh mà còn được mở rộng đến các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Điện Biên, Sơn La... Ngoài nhận đơn hàng từ các đám cưới, hỏi, hội nghị, phần lớn sản phẩm được sử dụng làm quà biếu.
Chị Nguyễn Thị Thủy, một người dân sống tại tỉnh Long An cho biết: Tết nguyên đán Nhâm Thìn vừa qua chị có về quê Thái Nguyên và được thưởng thức món bánh tẻ của HTX Anh Đức. Là người đã từng đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều món bánh khác nhau, nhưng chị thấy món bánh tẻ của HTX Anh Đức có vị rất riêng. Đó là độ dẻo dai của bánh, vị của nhân vừa vặn, kết hợp với mùi thơm của lá dong khiến tôi thực sự ấn tượng. Vì thế, mỗi lần về quê, tôi lại lựa chọn bánh tẻ để làm quà biếu cho anh em bạn bè ở Long An và thành phố Hồ Chính Minh.
Khi đã được công nhận là sản phẩm OCOP, HTX Anh Đức càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Để sản phẩm giữ được thương hiệu là món “quà quê”, các nguyên liệu từ gạo, nhân bánh, đến lá bánh và lạt buộc bánh đều được lựa chọn kỹ lưỡng và tỷ mỉ. Theo đó, nguyên liệu được lựa chọn để làm bánh tẻ, chủ yếu là gạo U17, vì loại gạo này có độ dẻo, không dính. Trong quá trình sản xuất, khâu ráo bột có vai trò quan trọng. Theo đó, sau khi nghiền xong, bột sẽ được đổ vào một nồi gang và đặt trong một chậu nước rồi đưa lên bếp ráo. Khi đặt lên bếp, bột được khuấy đều tay liên tục trong khoảng 3 tiếng đến khi cô đặc. Đây chính là khâu quyết định đến chất lượng bánh. Ngoài phần bột bánh, nhân bánh cũng được HTX lựa chọn những nguyên liệu như thịt vai mộc nhĩ và hành đảm bảo chất lượng, cân đối theo tỷ lệ và nêm gia vị vừa phải trước khi đem gói. Khi gói bánh ngoài việc đảm bảo độ đồng đều còn phải khéo léo để nhân bánh nằm giữa bên trong vỏ bánh thì chiếc bánh mới đẹp mắt và đạt tiêu chuẩn.
Nhân bánh được chuẩn bị kỹ, trong đó thịt lợn chỉ được thái mà không cho vào xay.
Hiện nay, bánh tẻ của gia đình bà Nụ chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng của khách, tuy nhiên với những đơn hàng lớn thì cần huy động thêm người để tham gia sản xuất cho kịp. Lúc cao điểm, có ngày gia đình bà Nụ gói được khoảng 1.000 cái bánh. Bánh được bán với giá dao động từ 6.000 – 10.000 đồng/cái tuỳ nhu cầu của từng khách hàng.
Từ một nghề phụ, hiện nay nghề làm bánh tẻ truyền thống của HTX Anh Đức đã tạo việc làm cho 10 lao động, chủ yếu là lao động tại địa phương, với mức thu nhập trung bình khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Trần Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phú Bình cho biết: bánh tẻ của HTX Anh Đức xã Thanh Ninh là sản phẩm OCOP chế biến sâu, được đánh giá cao về chất lượng cũng như triển vọng phát triển. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quảng bá sản phẩm này qua các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm truyền thống đến với người tiêu dùng khắp các tỉnh thành./.
Bài và ảnh: Nguyễn Chi
(Trung tâm VH TT và TT huyện Phú Bình)
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 1
Tổng truy cập: 3888762