Phú Lương hướng đến nông nghiệp an toàn, bền vững
2024-09-23 16:16:00.0
Sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thời gian qua, nhiều mô hình đã được các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trên địa bàn huyện Phú Lương mạnh dạn đầu tư, triển khai bởi những giá trị về kinh tế, sức khỏe, môi trường và tính bền vững.
Nhiều kết quả khả quan
Tập trung đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững đã và đang được người dân, doanh nghiệp áp dụng tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Phú Lương và bước đầu mang lại kết quả khả quan. Điển hình như Dự án xây dựng vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn xã Ôn Lương được triển khai từ năm 2020. Đơn vị chủ trì Dự án là HTX nông sản Phú Lương, với kinh phí thực hiện gần 450 triệu đồng (trong đó được ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 100 triệu đồng để hỗ trợ máy móc, thiết bị, đăng ký mã số, QR code, bao bì, nhãn mác sản phẩm, tập huấn quy trình VietGAP). Nhờ triển khai thực hiện Dự án, HTX nông sản Phú Lương đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa nếp vải VietGAP với diện tích 12ha. Giá trị sản phẩm gạo nếp vải cũng tăng từ 25.000 đồng/kg (thời điểm trước khi thực hiện dự án) lên 35.000 đồng/kg như hiện nay. Trong năm 2024, HTX đang triển khai liên kết với các hộ dân để xây dựng vùng chè VietGAP có diện tích 60ha.
Chế biến chè tại HTX Nông sản Phú Lương
Anh Tống Văn Viện, Giám đốc HTX Nông sản Phú Lương cho biết: Từ những kết quả bước đầu, nhân dân trong xã đã thấy rõ hiệu quả về giá trị kinh tế, hiện nay rất nhiều hộ dân trong xã cũng mong muốn tham gia liên kết với HTX để sản xuất nông sản theo quy trình VietGAP.
Ngoài HTX nêu trên, một số đơn vị điển hình như: HTX chè an toàn Khe cốc có diện tích chè được chứng nhận hữu cơ đầu tiên của huyện với diện tích 20 ha và đang tiếp tục nhân rộng diện tích lên 43,8ha trong năm vào cuối năm 2024, có 4 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP; Công ty Cổ phần sản phẩm thiên nhiên DK chuyên phát triển các sản phẩm từ cây dây thìa canh từ năm 2016, đến nay công ty đã có 2ha cây dây thìa canh lá to được chứng nhận hữu cơ (vùng dây thìa canh lá to hữu cơ lớn nhất Việt Nam)...
Cây trồng chủ lực của huyện Phú Lương chuyển đổi theo hướng an toàn vẫn là cây chè với trên 4.100ha (đứng thứ 2 toàn tỉnh), sản lượng chè búp tươi đạt 45.200 tấn/năm, đóng góp khoảng 35% giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của địa phương. Diện tích được chứng nhận mới, chứng nhận lại VietGAP đạt 1.222 ha, diện tích chứng nhận còn hiệu lực đạt 683 ha, diện tích được chứng nhận hữu cơ đạt 34 ha.
Vẫn còn đó những khó khăn
Qua tìm hiểu của phóng viên, để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp an toàn, người nông dân cần bỏ thời gian công sức mà còn phải đảm bảo quy trình khép kín từ việc đầu tư cho giống cây, kỹ thuật trong thâm canh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ vật đến việc thu hái, bảo quản…
Tại HTX Chè sạch Đạt Phát (xã Vô Tranh) được thành lập với 7 thành viên chính thức và 30 hộ liên kết, vùng nguyên liệu chè VietGAP rộng 15ha. Hiện nay, HTX có 2 sản phẩm OCOP đều được chứng nhận 4 sao. Hằng năm, sản lượng của đơn vị đạt khoảng 35 tấn chè búp khô. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu hiện nay của HTX đang nằm rải rác trên địa bàn xã và các xã lân cận. Do đó gặp không ít khó khăn trong việc kiểm soát quy trình, chất lượng sản phẩm chè là tương đương nhau ở các hộ liên kết khác nhau.
HTX Chè sạch Đạt Phát có nhiều sản phẩm từ cây chè được trồng theo quy trình VietGAP.
Anh Vũ Thành Thơm, Giám đốc HTX Chè sạch Đạt Phát cho biết: Vùng nguyên liệu sẵn có và tiềm năng mở rộng diện tích chè xã Vô Tranh là rất lớn, tuy nhiên nhiều năm nay diện tích chè VietGAP vẫn còn chiếm diện tích khá khiêm tốn, không tập trung, sản xuất theo hướng hữu cơ lại càng hiếm.
Nguyên nhân khiến người dân chưa mặn mà với sản xuất chè an toàn do quen với tập quán canh tác chè theo kinh nghiệm, tâm lý e dè vì phải làm theo đúng quy trình, mất thêm thời gian và sức lao động trong khi hiệu quả về kinh tế thì phải cần thời gian để được thị trường công nhận. Bên cạnh đó, nhu cầu được hỗ trợ của các HTX sản xuất theo hướng hữu cơ rất lớn từ khâu chăm sóc, thu hái, chế biến, đóng gói… trong khi nguồn lực của Nhà nước hỗ trợ có hạn.
Người dân xã Vô Tranh thu hái chè
Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Vô Tranh cho biết: Ngoài các lý do chủ quan chưa muốn chuyển đổi của người trồng chè thì giá thành cao, khó tìm đầu ra cũng là rào cản khiến cho các hộ dân chưa thực sự mặn mà với nông nghiệp an toàn.
Triển vọng về nền nông nghiệp bền vững
Để nâng cao chất lượng nông sản, hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, huyện Phú Lương đã và đang triển khai nhiều chủ trương, chính sách xây dựng các chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sạch theo mô hình VietGAP, nông nghiệp sử dụng công nghệ cao... Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp thông qua việc hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, hàng hóa cho một số hợp tác xã.
HTX sản xuất chè an toàn Thái Ninh, ở xã Tức Tranh (Phú Lương) là một trong những đơn vị tiên phong tại xã Tức Tranh triển khai trồng chè VietGAP và hiện nay là chè hữu cơ. Năm 2021, HTX được nhận hỗ trợ lần đầu với 10 tấn phân bón hữu cơ, bao bì sản phẩm chè, tập huấn về chuyển đổi toàn bộ 8ha chè được công nhận VietGAP sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Đến tháng 6-2023, HTX tiếp tục được hưởng lợi từ Dự án liên kết phát triển mô hình sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với chuỗi giá trị liên kết của vùng chè nguyên liệu ở xã Sơn Phú (Định Hóa). Hiệu quả thấy rõ khi giá chè búp khô của HTX đã tăng từ 200 nghìn đồng/kg lên 300-350 nghìn đồng/kg. Cùng với lợi ích về kinh tế, sản xuất chè theo hướng hữu cơ còn có lợi ích to lớn cho chính những người làm chè do không còn phải tiếp xúc với phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
Sản xuất, chế biến chè tại HTX Sản xuất trà an toàn Thái Ninh.
Bà Trương Thị Hoa, thành viên HTX chè an toàn Thái Ninh, cho biết: Biểu hiện rõ nhất cho sự thay đổi môi trường sống của chúng tôi được cải thiện chính là những dòng suối chảy qua các đồi chè nay đã có tôm, cá sinh sôi trở lại.
Theo Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương: Sản xuất nông nghiệp an toàn là một trong những nội dung quan trọng không chỉ thúc đẩy kinh tế - xã hội mà còn góp phần thực hiện hiệu quả Đề án về phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh huyện Phú Lương, giai đoạn 2021-2025, đồng thời khẳng định hướng phát triển bền vững của ngành nông nghiệp của huyện hiện nay. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất an toàn đã được các địa phương, hợp tác xã, người sản xuất trên địa bàn huyện quan tâm đầu tư thực hiện, bởi những giá trị về kinh tế, sức khỏe, môi trường và tính bền vững.
Sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững là xu hướng tất yếu, tuy nhiên việc xây dựng lộ trình cần đảm bảo phù hợp điều kiện sản xuất của từng địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển của ngành nông nghiệp và lĩnh vực có liên quan. Từ đó các thành phần kinh tế mới tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, phát huy và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Bài và ảnh: Việt Dũng
(Báo Thái Nguyên)
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 1
Tổng truy cập: 3888765