Thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm Nông nghiệp, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP
2024-10-08 14:22:00.0
Tỉnh Thái Nguyên xác định chuyển đổi số là “chìa khoá” tạo động lực cho khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển nhanh và bền vững, qua đó góp phấn cắt giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Trong thời gian qua, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của nhà nước, các địa phương, đặt biệt là các HTX trên địa bàn đã chủ động tích cực thực hiện công tác chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao nội lực, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và chủ động tham gia vào chuỗi giá trị.
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các HTX trên địa bàn tỉnh đã nhận thức sâu sắc hơn việc áp dụng khoa học kỹ thuật cùng ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến vào sản xuất và quảng bá sản phẩm. Nổi bật lên là các HTX chè đã tập trung ứng dụng công nghệ tưới tự động có thể theo dõi và điều chỉnh trên điện thoại thông minh, sử dụng những máy sao sấy bằng gas bằng điện và một số máy đóng gói tự động công nghệ cao tạo ra nhiều sản phẩm chè có giá trị chất lượng cao … Ông Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc HTX trà an toàn Phú Đô chia sẻ: Từ khi HTX đưa ứng dụng Face fram vào chuỗi sản xuất, kinh doanh, ưu điểm lớn nhất mang lại chính là thông tin chi tiết các thửa đất trồng chè của HTX và nhật ký sản xuất của nông trai được hiển thị trên Google map. Điều này không chỉ giúp HTX dễ dàng quản lý sản phẩm, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Chỉ cần quét mã QR, khách hàng có thể xem trực tiếp các khâu chăm sóc, hàm lượng, chủng loại, số lượng phân bón và thời gian, địa điểm, hình thức, quy trình chăm sóc … bằng cả thuyết minh, hình ảnh, video …
Song song với việc áp dụng công nghệ, hiện đại hoá quá trình sản xuất, kinh doanh các HTX hiện này còn tích cực đẩy mạnh ứng dụng cộng nghệ số vào việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sản thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Tiktok …).
Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh đang được các HTX triển khai ngày một phổ biến, sâu rộng. Bà Bùi Thị Hải Yến, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất và thương mại HTX Bản Việt, chia sẻ: Khác với các phương thức bán hàng truyền thống trước đây, việc livestream bán hàng qua mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử sẽ giúp cho các HTX có thể quảng bá, giới thiệu về quy trình chăm sóc, sản xuất, chế biến ra sản phẩm một cách tự nhiên và chân thật nhất bất cứ thời gian nào, ở đâu. Qua đó giúp khách hàng biết, cảm nhận được nhiều khía cạnh của quy trình sản xuất và tin tưởng lựa chọn sử dụng sản phẩm.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của sự phát triển HTX, có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhận thấy trước được điều đó, Liên minh HTX tỉnh đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ HTX ứng dụng chuyển đổi số góp phần nâng cao sản lượng tiêu thụ. Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh – ông Nguyễn Văn Dũng cho biết: Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các HTX trên địa bàn tỉnh Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, phổ biến nâng cao nhận thức, lơi ích, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, kinh doanh; ngoài ra thường xuyên tổ chức thêm các lớp đào tạo, hướng dẫn trực tiếp livestream bán hàng qua các mạng xã hội, qua các sàn thương mại điện bởi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bán hàng online.
Tập huấn cho các HTX trên địa bàn tỉnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 2.700 sản phẩm của các DN, HTX được cập nhật trên sàn thương mại điện tử của tỉnh. Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt cho biết: Chuyển đổi số đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho HTX. Điển hình là việc áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, các sản phẩm trà của HTX được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến và tin dùng. Ngoài ra, thông qua các công nghệ sao, sấy, đóng gói chè tự động, sản lượng của HTX tăng cao đáng kể, trung bình mỗi ngày HTX có thể sản xuất, đóng gói hàng tấn chè. Ngoài ra, HTX còn ứng dụng các phần mềm chấm công, lắp đặt phần mềm quản lý bán hàng và một số máy móc thiết bị giúp quản lý đơn hàng một các dễ dàng và giảm được nhân công làm việc, tiết kiệm được thời gian.
HTX chè Hảo Đạt đi đầu trong công tác chuyển đổi số phục vụ quản lý, sản xuất và kinh doanh
Tính đến ngày 30/6/2024, toàn tỉnh có 762 HTX, trong đó có 527 HTX lĩnh vực nông nghiệp; 232 HTX phi nông nghiệp. Để giúp các HTX thích ứng với việc chuyển đổi số, thời gian qua Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh đã tích cực tổ chức các chuyên đề, hội thảo chuyển đổi số. Tổ chức tham gian học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình HTX trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành chức năng đưa sản phẩm của HTX lên các sàn thương mại điện tử. Từ các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số trong thời gian qua đã góp phần thu lại một số kết quả, doanh thu của các HTX đã được nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX đạt 4,5 – 5 triệu đồng/người/tháng … Nhiều sản phẩm của HTX phát triển theo hướng hàng hóa, trở thành sản phẩm thế mạnh, tiêu biểu, đặc trưng của địa phương. Đến nay Thái Nguyên đã có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn ocop từ 3 đến 5 sao (trong đó có 149 sản phẩm 3 sao, 89 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia). Trong đó có 195 (81%) sản phẩm chủ thể là HTX. Ngoài ra, 77 sản phẩm của HTX, tổ hợp tác đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu của tỉnh; 5 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu cấp vùng và quốc gia.
Hướng dẫn HTX đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử
Có thể thấy, ứng dụng chuyển đổi số, khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh là xu hướng tất yếu nhằm từng bước giảm công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho thành viên. Tuy nhiên đây chỉ mới là những bước đi ban đầu hướng đến chuyển đổi số trong nông nghiệp của HTX. Hạn chế, khó khăn lớn nhất vẫn là đa số thành viên tham gia xuất phát từ nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chậm, khoa học - công nghệ còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong sản xuất nên việc nắm bắt thông tin thị trường, công tác kết nối giao thương với các siêu thị, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hay các sàn giao dịch thương mại điện tử chưa nhanh, dẫn đến tình trạng không đủ hàng hóa xuất ra thị trường, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Để việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh ngày càng đồng bộ, hiệu quả, các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh Thái Nguyên mong muốn được hỗ trợ về vốn để bổ sung thêm kinh phí mua máy móc, công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến. Đồng thời mong muốn Nhà nước triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, theo các tiêu chuẩn hữu ích như VietGAP, Global Gap; đào tạo nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hoá cho người lao động. Đặc biệt là thúc đẩy các nội dung về xúc tiến thương mại, bảo hộ kinh doanh đa phương với thế giới thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm an toàn và hiệu quả./.
Bài và ảnh: Trần Quốc Hoàng
Văn phòng Điều phối NTM tỉnh
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 1
Tổng truy cập: 3892019