Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững
2024-11-13 08:39:00.0
Là huyện có thế mạnh về chăn nuôi của tỉnh Thái Nguyên, những năm qua nhiều phương pháp, kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi đã được các hộ chăn nuôi của huyện Phú Bình áp dụng như: chăn nuôi theo hướng VietGap, sinh học để nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên đã triển khai mô hình chăn nuôi bò thịt tuần hoàn tại Hợp tác xã Chăn nuôi bò và Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My (HTX Chăn nuôi bò Nga My). Qua thời gian triển khai, mô hình đã mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi, là điều kiện quan trọng để người chăn nuôi nâng cao hiệu quả kinh tế và mở rộng quy mô sản xuất.
HTX Chăn nuôi bò Nga My được thành lập từ tháng 8/2022, lúc mới thành lập HTX có 25 thành viên, với đàn bò khoảng 150 con. Ngành nghề chính của HTX là chăn nuôi bò thương phẩm và bò giống. Cuối năm 2022, giá trâu bò giảm mạnh xuống mức 50.000 – 60.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi rơi vào tình cảnh lao đao. Cứ mỗi con bò bán ra, trung bình người chăn nuôi lỗ hàng chục triệu đồng. Hoàn cảnh đó khiến các thành viên trong bỏ trống chuồng, một số thành viên đã tìm một hướng đi khác để có thể gia tăng thu nhập từ nghề chăn nuôi.
Đúng trong lúc HTX đang gặp khó khăn thì đầu năm 2023 được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên triển khai mô hình chăn nuôi bò thịt tuần hoàn. Mô hình được triển khai nhằm giúp người chăn nuôi giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
Anh Dương Văn Hồng chăn sóc đàn bò của gia đình
Anh Dương Văn Hồng, Giám đốc HTX chăn nuôi bò Nga My cho biết: Tại mô hình này, chất thải của gia súc sẽ được thu gom hàng ngày và được tập kết về khu nuôi trùn quế, trùn quế sau khi thu hoạch, sẽ được chế biến thành một loại men giàu dinh dưỡng, men này được dùng để ủ với thức ăn cho bò. Phân nuôi trùn quế sau thời gian ủ 2 tháng sẽ trở nên hoai mục và được quay lại bón cho cây cỏ, ngô để làm thức ăn cho bò. Vì trong phân có nhiều trứng giun, nên có tác dụng cải tạo đất rất tốt, cây phát triển nhanh. Nhờ đó, nguồn thức ăn cho bò cũng dồi dào hơn. Phân trùn quế, sau khi sử dụng tại chỗ, còn thừa sẽ được HTX bán ra thị trường cho các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh, với giá bán tại HTX là 2.000 đồng/kg. Trong khi, trung bình một con bò từ 300-400kg một ngày thải ra khoảng 10kg phân, thì đây cũng là nguồn thu đáng kể cho các thành viên khi áp dụng mô hình này.
Sau thời gian áp dụng phương pháp chăn nuôi tuần hoàn, Dương Văn Hồng, Giám đốc HTX cho biết: Phương pháp chăn nuôi mới này đã giúp người chăn nuôi như chúng tôi thay đổi hoàn toàn trong quy trình sản xuất. Bởi trước đây, chất thải của bò không được dọn và xử lý triệt để. Chuồng nuôi không được dọn phân thường xuyên, tạo môi trường cho mầm bệnh phát sinh. Phần chất thải sau khi dọn lại được bón trực tiếp cho cây trồng (chủ yếu là cỏ, ngô làm thức ăn cho bò). Cách bón phân trực tiếp như vậy làm cho cây cỏ bị chết xót, hoặc phát triển triển kém, gây ngộ độc cho đất. Sau khi áp dụng phương pháp chăn nuôi tuần hoàn, đã giúp chúng tôi giải quyết bài toán về chất thải trong chăn nuôi, giám đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, từ đó giúp việc chăn nuôi được hiệu quả hơn.
Thức ăn thô xanh được băm nhỏ trước khi đem ủ với men trùn quế
Thăm khu chuồng trại với quy mô 50 con bò thịt của gia đình anh Hồng, nhưng chúng tôi không hề thấy mùi “đặc trưng” của chăn nuôi. Anh Hồng cho biết: Gia đình anh đã thuê riêng một nhân công để hàng ngày dọn chất thải của 50 con bò về điểm nuôi trùn quế. Hơn nữa, bò khi được chăn chủ yếu bằng cỏ ủ với men trùn quế, thì chất thải không bị “nặng mùi” như chăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Nằm ngay cạnh khu chuồng trại là một khu sân rộng chứa các thùng thức ăn cho bò, anh Hồng chia sẻ: Sau khi chế được men từ trùn quế, chúng tôi sẽ tích trữ cỏ tươi để ủ với men trùn quế (thường từ tháng 7 âm lịch), để bò có thức ăn trong cả mùa đông. Ngoài cỏ, men từ trùn quế còn được ủ với bã bia, bã đậu được mua ngay tại địa phương để làm thức ăn cho bò. Nếu như trước kia, chúng tôi cho bò ăn trực tiếp cỏ tươi, bã bia hoặc bã đậu, nhưng từ khí có men từ trùn quế, chúng tôi ủ các loại trên rồi mới cho bò ăn. Nhờ đó, thức ăn của bò có giá trị dinh dưỡng cao hơn, bò tiêu hoá tốt hơn. Và đặc biệt chi phí thức ăn cho bò đã giảm đi đáng kể mà chất lượng thịt bò lại được nâng lên.
Đến nay quy trình chăn nuôi tuần hoàn đã được các thành viên trong HTX áp dụng. Trong số 35 thành viên của HTX, thì có 10 thành viên đã áp dụng quy trình chăn nuôi này, với diện tích nuôi trùn quế là 1.000m2. Anh Nguyễn Văn Phúc một thành viên của HTX chăn nuôi bò Nga My cho biết: Áp dụng quy trình chăn nuôi tuần hoàn đã giúp chúng tôi giảm chi phí đầu vào, chủ yếu là lượng thức ăn tinh, chi phí thuốc thang. Vì bò chủ yếu sẽ được dùng thức ăn thô đã được ủ men từ trùn quế. Hơn nữa, môi trường được xử lý tốt nên hạn chế dịch bệnh, nhờ đó lãi suất cũng được tăng theo. Với mức giá hiện tại là 75.000-77.000 đồng/kg, thì trung bình mỗi con bò cho lãi khoảng 1 triệu đồng/ tháng, tăng khoảng 300.000-400.000 nghìn đồng khi chưa áp dụng phương pháp chăn nuôi tuần hoàn. Cũng nhờ hiệu quả của quy trình chăn nuôi này, hiện anh Phúc đang chuẩn bị các điều kiện về chuồng trại để mở rộng quy mô chăn nuôi lên 40 con bò 3B vào tháng 11 âm lịch săp tới, thay vì 20 con như hiện tại.
Một minh chứng nữa giúp khẳng định chất lượng của thịt bò từ khi áp dụngquy trình chăn nuôi tuần hoàn, tháng 8 vừa qua, UBND huyện Phú Bình đã công nhận 8 sản phẩm đạt OCOP 3 sao năm 2024. Trong đó có 3 sản phẩm của HTX chăn nuôi bò Nga My gồm: dăm bông bò, thịt bò khô và dăm bông lợn. Đây là 2 sản phẩm OCOP đầu tiên từ bò của huyện Phú Bình được công nhận và cũng là cơ sở duy nhất đang thực hiện quy trình chăn nuôi tuần hoàn.
Cơ sở của anh Dương Văn Hồng, Giám đốc HTX bò Nga My sản xuất sản phẩm dăm bông bò từ thịt bò được chăn theo phương pháp tuần hoàn hữu cơ.
Mặc dù mới được công nhận là sản phẩm OCOP, nhưng trước đó anh Dương Văn Hồng, Giám đốc HTX đã xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc để sản xuất 10 loại mặt hàng, chủ yếu là: dăm bông bò, dăm bông lợn, xúc xíc lợn, bò, giò các loại… Hiện nay, trung bình mỗi tháng cơ sở nhà anh Hồng sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 tạ dăm bông lợn, 4 tạ dăm bông bò và khoảng 7 tạ xúc xích lợn... Với tổng doanh thu khoảng 600 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí,
còn thu lãi 80 triệu đồng mỗi tháng.
Anh Dương Văn Hồng, Giám đốc HTX chăn nuôi bò Nga My giới thiệu sản phẩm cho khách hàng tại gian trưng bày sản phẩm
Đến nay, các sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ trong tỉnh và một số địa bàn lân cận: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh…Bà Lê Thị Lan, một cơ sở kinh doanh thực phẩm tại xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên cho biết: Tôi mới nhập hàng của cơ sở nhà anh Hồng từ đầu năm 2024, với các sản phẩm chính là: xúc xích, dăm bông, giò các loại... Khách hàng của tôi sau khi dùng sản phẩm đều đánh giá cao về chát lượng và tiếp tục lựa chọn sản phẩm ở những lần sau.
Bà Trần Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Hiệu quả bước đầu của mô hình chăn nuôi tuần hoàn theo hướng hữu cơ đã được khẳng định. Không chỉ giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập mà quan trọng hơn, phương pháp này đã giúp cải thiện đáng kể môi trường chăn nuôi, hướng đến chăn nuôi bền vững. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích, mở rộng phương pháp chăn nuôi này tại các địa bàn trong huyện và áp dụng trên các loại vật nuôi khác như gia cầm và trên đàn lợn./.
Bài và ảnh: Nguyễn Chi
(Trung tâm VH TT và TT huyện Phú Bình)
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 1
Tổng truy cập: 3888765