Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

 

Khởi sắc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đại Từ

2024-10-28 15:54:00.0

Gần đây, tôi có dịp ghé thăm Đại Từ, một vùng đất giao thoa văn hóa độc đáo, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến đây là hình ảnh những con người lao động hăng say, đầy lạc quan, và những nụ cười dưới vành nón lá, phản ánh sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của họ.

Gần đây, tôi có dịp ghé thăm Đại Từ, một vùng đất giao thoa văn hóa độc đáo, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến đây là hình ảnh những con người lao động hăng say, đầy lạc quan, và những nụ cười dưới vành nón lá, phản ánh sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của họ.

Tại các vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, những triển đồi hay những diện tích đất đai vốn hoang hoá giờ đây đã toát lên vẻ trù phú. Có được điều này là do ngời dân đã thay đổi tư duy và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất vào canh tác.

Huyện Đại Từ hiện có gần 182.000 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 32,9%. Một số địa phương có tỷ lệ người DTTS cao như: Phúc Lương (95,2%); Đức Lương (85,8%); Na Mao (67,3%); Minh Tiến (59,43%)… . Chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều chính sách dân tộc hiệu quả, giúp đảm bảo an ninh, trật tự và an sinh xã hội cho bà con DTTS. Các chính sách này không chỉ đáp ứng kịp thời mà còn mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và xóa dần khoảng cách phát triển.

Từ năm 2021 đến nay, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, Đại Từ đã triển khai 7/10 dự án với tổng vốn đầu  tư gần 80 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của bà con.

 Cùng với đó, các mô hình “Dân vận khéo” tại Đại Từ cũng đã thực sự phát huy hiệu quả. Công tác dân vận không chỉ là những bài tuyên truyền khô khan, mà thực sự đã thay đổi nhận thức, thói quen của bà con, nhất là trong việc xây dựng nếp sống văn minh và sản xuất nông nghiệp. Các chương trình, chính sách liên quan đến đồng bào DTTS đều được triển khai nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. 2 năm qua, số hộ nghèo là người DTTS trên địa bàn huyện giảm 998 hộ, tương đương 8,38% (hiện còn 664 hộ nghèo).

Giai đoạn 2024-2029, huyện Đại Từ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS xuống dưới 6,5% theo tiêu chí mới; 8% học sinh DTTS được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú; 100% hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ cán bộ chủ chốt cấp xã vùng DTTS và miền núi có trình độ đại học đạt 100%...

 Chị Bàn Thị Hồng, người Dao tại thị trấn Quân Chu, là một ví dụ tiêu biểu. Từ việc duy trì vườn bưởi diễn truyền thống, chị đã mạnh dạn thay đổi, chuyển sang giống bưởi Phúc Trạch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thêm vào đó, chị phát triển gần 3ha chuối tiêu hồng, giúp gia đình có thu nhập ổn định và cuộc sống dần khá giả hơn. Cùng với chị Hồng, nhiều phụ nữ là đồng bào DTTS còn cho thấy, họ không chỉ biết trồng trọt mà còn quan tâm hơn đến sức khỏe, tinh thần và cuộc sống gia đình, góp phần xây dựng một cuộc sống toàn diện hơn.

Chị Bàn Thị Hồng chăm sóc vườn chuối đang sinh trưởng và phát triển tốt của gia đình

Tại xã Phúc Lương, tôi cảm nhận rõ sự đổi thay khi gặp những người dân đã từng phải vật lộn với cuộc sống bấp bênh chỉ dựa vào canh tác lúa một vụ. Giờ đây, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, bà con đã biết canh tác chè chất lượng cao, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình. Phúc Lương đã đạt chuẩn nông thôn mới và đang phấn đấu trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Câu chuyện về người DTTS ở Đại Từ không chỉ truyền cảm hứng trong việc thoát nghèo đơn thuần, quan trọng hơn là những chính sách cho đồng bào DTTS đã giúp họ ý thức hơn về giá trị bản thân, và trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng.

Sự vươn lên trong cộng đồng đồng bào DTTS đã góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại Đại Từ. Người dâm Đại Từ có quyền tự hào khi toàn bộ 27 xã đều đạt chuẩn, trong đó 5 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Sự phát triển ở các vùng đồng bào DTTS cũng chính là minh chứng cho nỗ lực chung của chính quyền và nhân dân trong huyện. Chính quyền các cấp trên làm tốt vai trò là cầu nối, thúc đẩy trách nhiệm cộng đồng, sung trùng với đó, người dân cũng ý thức được vai trò của mình trong quá trình phát triển, góp phần tạo nên một Đại Từ ngày càng vững mạnh.

Mỗi câu chuyện tôi nghe được trong chuyến đi đều là những tia hy vọng sáng lấp lánh cho tương lai của đồng bào DTTS nói riêng, người dân Đại Từ nói chung. Khi rời khỏi Đại Từ, ánh chiều tà trải dài trên những nương chè xanh mướt, tôi mang theo niềm tin mãnh liệt vào sự đoàn kết và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào DTTS ở Đại Từ./.

                                                           Bài và ảnh: Kim Ngân

(Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên)



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3888765

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH THÁI NGUYÊN

Số điện thoại: 02083.759.373

Email: nongthonmoi@thainguyen.gov.vn

Địa chỉ: Tổ 11, Phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên