Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

 

Quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm chè

2024-10-24 16:32:00.0

Là địa phương có diện tích chè đứng thứ 2 trên địa bàn tỉnh, và có số làng nghề chè nhiều nhất tỉnh với 45 làng nghề. Những năm qua huyện Phú Lương luôn quan tâm đến việc nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm chè trên địa bàn huyện, góp phần từng bước khẳng định, nâng cao thương hiệu chè.

Là địa phương có diện tích chè đứng thứ 2 trên địa bàn tỉnh, và có số làng nghề chè nhiều nhất tỉnh với 45 làng nghề. Những năm qua huyện Phú Lương luôn quan tâm đến việc nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm chè trên địa bàn huyện, góp phần từng bước khẳng định, nâng cao thương hiệu chè.

Những năm gần đây, tại xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh (huyện Phú Lương), thay vì tư duy mạnh ai lấy làm các hộ dân nơi đây đã liên kết lại và thành lập tổ hợp tác để cùng giúp nhau về vốn, khoa học kỹ thuật trong trồng và sao sấy chè. Ông: Đồng Văn Khánh, xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh cho biết: Mỗi hộ khi tham gia vào Hợp tác xã đều cam kết sử dụng cùng một loại phân bón và thuốc trừ sâu sinh học để chăm sóc chè. Quá trình chăm sóc, thu hái được ghi chép tỉ mỉ, nghiêm ngặt để đưa ra những sản phẩm chè an toàn, chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Ảnh 1: Bà con nhân dân xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên thu hoạch chè.

Tại các làng nghề chè ở xã Phú Đô, nếu như trước đây các gia đình trong làng nghề sản xuất chè theo hướng truyền thống, chất lượng và năng suất không cao; bên cạnh đó việc phun thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ theo quy định ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường; thì những năm gần đây, nhờ được tuyên truyền, vận động, các hộ dân trong làng nghề đã chuyển sang sản xuất chè theo quy trình Vietgap. Bà Nguyễn Thị Hoàng, xóm Phú Nam 1, xã Phú Đô chia sẻ: Cùng với việc đầu tư để tăng năng suất, chất lượng thì việc quảng bá thương hiệu sản phẩm chè cũng đã được người dân tích cực thực hiện. Đặc biệt, với sản phẩm chè an toàn, nhiều hộ dân đã chủ động đăng ký mã vạch, tên, tuổi, địa chỉ trên bao bì sản phẩm trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Ảnh 2: Huyện Phú Lương quan tâm trưng bày, quảng bá sản phẩm chè

Huyện Phú Lương hiện có trên 4.100ha, sản lượng chè búp tươi năm 2024 ước đạt 47.400 tấn. Nếu trước đây, chè là cây xóa đói giảm nghèo của người dân huyện Phú Lương thì nay chè lại là cây làm giàu cho người dân. Vì thế những năm qua Huyện đã quan tâm  đến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè như: khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng máy sao, vò chè bằng Inox, mở rộng diện tích chè Việt Gap, hỗ trợ van tưới chè người dân, xây dựng vùng sản xuất, chế biến chè an toàn.

Xác định cây chè là cây trồng chủ lực trong phát triển nông nghiệp. Trong những năm qua, huyện Phú Lương đã có nhiều chính sách để phát triển cây chè cũng như nâng cao thương hiệu chè Phú Lương. Giai đoạn 2021-2024 huyện Phú Lương đã hỗ trợ trên 23 tỷ đồng tập trung vào các nội dung: Tổ chức được 73 lớp tập huấn về quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP cho các xã, thị trấn; Hỗ trợ được 524 máy vò, 87 tôn sao inox, 8 tôn điện, 01 kho lạnh, 01 tôn sao ga, 01 máy hút chân không, hỗ trợ hệ thống tưới 36,5 ha, 278 tấn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho mô hình sản xuất chè theo VietGAP quy mô 123 ha, hỗ trợ 45.865 tem QR Code cho một số tổ hợp tác chè VietGAP…Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ biển quảng cáo cho 07 cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện, 10 tủ trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP cho các  HTX có sản phẩm OCOP đặt tại các điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm... nhằm trưng bày và bán các sản phẩm…Đến nay, Toàn huyện có trên 1.400 ha diện tích được chứng nhận mới, chứng nhận lại VietGAP, hữu cơ, 68 ha chè được cấp mã số vùng trồng.

Ảnh 3: Huyện Phú Lương quan tâm mở rộng diện tích chè VietGap

Đến nay, lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sử dụng trên cây chè giảm từ 70 đến 80% so với năm 2015, số hộ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh cải tạo đất tăng 20 đến 30%, số hộ sử dụng công nghệ cao van xoay tưới chè chiếm 60 đến 70% số hộ sản xuất chè. Qua đó, đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm công lao động, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm chè. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Thông qua các hoạt động hỗ trợ tiếp cận thị trường cùng với việc hỗ trợ trong sản xuất, chế biến giá bán sản phẩm chè búp khô ước tính tăng bình quân từ 25 đến 30%/năm. Nhiều sản phẩm chè đã được xuất khẩu và tiêu thụ ở các thị trường như: Trung Quốc, Iran, ba Lan, Pháp, Chỉ tính trong 7 tháng đầu năm 2024  Sản lượng chè búp khô trên địa bàn huyện đạt gần 6.000 tấn, dự ước cả năm đạt 9.480 tấn. Giá trị sản xuất chè 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt trên 876 tỷ đồng, dự ước năm 2024 đạt 1.400 tỷ đồng, doanh thu bình quân đến năm 2025 ước đạt 350-356 triệu đồng/ha.

Với sự ưu đãi của thiên nhiên và kinh nghiệm nhiều năm trồng chè của người dân địa phương sản phẩm chè ở Phú Lương đã và đang khẳng định thương hiệu trên các thị trường trong nước và quốc tế./.

Bài và ảnh : Nhâm Mai

                                 (Trung tâm VH TT&TT huyện Phú Lương)



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3888765

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH THÁI NGUYÊN

Số điện thoại: 02083.759.373

Email: nongthonmoi@thainguyen.gov.vn

Địa chỉ: Tổ 11, Phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên