Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững
2024-11-19 15:28:00.0
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, GlobalGap, chăn nuôi an toàn sinh học… được áp dụng ngày càng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững. Các mô hình, dự án ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật được người dân tích cực tham gia và áp dụng vào sản xuất, đặc biệt là trồng trọt theo hướng VietGAP. Qua đó, đã giúp sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nâng cao chất lượng, sản lượng, góp phần quan trọng gia tăng giá trị kinh tế nông sản, tạo môi trường sống xanh - sạch - đẹp.
Cây ổi đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân Linh Nham - TP Thái Nguyên
Với hơn 15ha trồng ổi, Hợp tác xã (HTX) ổi Linh Nham ở TP Thái Nguyên đang sản xuất và thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ. Cây ổi đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Để thị trường tiêu thụ được ổn định và phát triển thương hiệu ổi Linh Sơn đi xa hơn, HTX đã nỗ lực xây dựng mã số vùng trồng.
Anh Đào Thanh Tùng, Giám đốc HTX ổi Linh Nham, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Chúng tôi nhận thấy đây là việc làm hết sức quan trọng, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến truy suất nguồn gốc. Hiện nay hợp tác xã đang có 9,5ha được cấp mã số vùng trồng và hợp tác xã cũng nhận thấy đây là một cơ hội cho hợp tác xã có cơ hội mang quả ổi đi xa hơn đến với những siêu thị hay những vùng mà có những đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm".
Nhằm thay đổi thói quen canh tác, hướng tới sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ, HTX Nông nghiệp -Thương mại - Dịch vụ Saemaul Phú Nam ở xã Phú Đô, huyện Phú Lương đã xây dựng mô hình sản xuất chè theo phương pháp IPHM (bảo vệ sức khỏe cây trồng). Từ đó đã giảm được chi phí sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm nâng cao rõ rệt, gia tăng hiệu quả kinh tế từ cây chè cho bà con nông dân.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Saemaul Phú Nam, huyện Phú Lương cho biết: "Chăm sóc không như trước bởi vì chúng tôi phun thuốc sinh học, bón phân hữu cơ để cải tạo đất cũng như là để cải tạo cho bộ rễ của cây chè phát triển".
Thái Nguyên hiện có 64 mã vùng trồng, trong đó có trên 30 mã số vùng trồng chè với tổng diện tích hơn 230 ha
Toàn tỉnh hiện có trên 6.200ha diện tích cây nông nghiệp được chứng nhận VietGAP. Trong đó, có trên 110ha lúa, gần 4.400ha chè; 64 mã vùng trồng, trong đó có trên 30 mã số vùng trồng chè với tổng diện tích hơn 230 ha. Những năm gần đây, Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó hướng dẫn, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân thay thế bằng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp xanh, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng cũng như người sản xuất.
Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên: "Kế hoạch của tỉnh giao cho các địa phương trong thời gian tới tiếp tục thực hiện theo kế hoạch này thì nhân rộng đến các địa phương, vùng chè, vùng lúa, vùng cây quả chủ lực, tất cả những dòng để phát triển theo sao mà cho canh tác bền vững nhất, sức khỏe cây trồng và đất tốt nhất và hiệu quả kinh tế cho bà con dân thu lợi nhuận cao nhất".
Để nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, cùng với sự thay đổi tư duy của nông dân, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp. điều này sẽ giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương, tăng cơ hội đưa nông sản đến với những thị trường khó tính./.
Bài và ảnh: Mạnh Hùng
(Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên)